Những lợi ích của đồ chơi đối với trẻ nhỏ.

Những lợi ích của đồ chơi đối với trẻ nhỏ.

Theo các chuyên gia thì việc vui chơi, giải trí là một hoạt động rất bổ ích nhằm phát triển trí tuệ cho trẻ nhỏ. Các loại đồ chơi và các môn chơi không chỉ làm tăng tính sáng tạo mà còn có tác dụng kích thích chỉ số thông minh (IQ) của bé.

Sau đây là những lợi ích tiêu biểu mà Sun & Moon  sưu tầm được, xin gửi đến các bậc phụ huynh để cùng tham khảo.

 Trau dồi khả năng sáng tạo cho bé

Đồ chơi tạo nên những thử thách trí tuệ và xây dựng sự sáng tạo kỳ diệu của bé theo thời gian. Ví dụ trò chơi ghép hình, ban đầu chỉ là những thao tác với các mảnh ghép khác nhau. Khi bé đã làm quen với trò chơi đó, bé có thể tạo nên rất nhiều hình thù khác nhau. Bé có thể kết hợp những nhân vật trong bộ phim hoạt hình như: chú siêu nhân hay ngôi nhà hoa hồng, và sau đó bé sẽ tự lắp ghép theo trí tưởng tượng của mình. Từ việc học cách pha màu cho một bức tranh, rồi bé tự tạo ra những màu sắc theo ý thích như: ông mặt trời thay vì buổi sáng vàng rực thì buổi chiều sẽ có màu đỏ ối, mái ngôi nhà ông bà ngoại màu nâu vì là ngôi nhà cổ, còn căn nhà mới của nhà bé sẽ có màu gạch tươi sáng.

Đồ chơi giúp bé tăng cường thể lực

Qua những trải nghiệm với trò chơi như ghép hình, dựng mô hình, hay chỉ đơn giản như chơi đất nặn sẽ giúp bé vận động; quá trình trao đổi năng lượng được tăng cường và giúp bé khỏe mạnh hơn. Dù đơn giản chỉ là việc hì hục với bảng màu, bộ ghép hình, cuốn sách tập tô, máy luyện phát âm thì bé yêu cũng dành hết cả sự chú ý và sự chăm chỉ của mình vào đó. Hơn nữa, những trò chơi khác như đá bóng, chạy, nhảy dây,… thì lại là những bài tập cần thiết cho khả năng vận động. Quá trình làm quen và thích nghi với trò chơi đã giúp thể lực của bé được cải thiện một cách rõ rệt.

Đồ chơi giúp bé hiểu biết hơn về thế giới xung quanh

Dù là những trò chơi rất đơn giản nhưng bé luôn có ý thức suy nghĩ tập trung cao độ, thậm chí suy luận một cách ngộ nghĩnh như: khối tròn lăn được còn khối vuông thì không, chú bộ đội mặc áo màu xanh, bác sỹ mặc trang phục màu trắng với chiếc ống nghe. Thậm chí, bé sẽ biết cách chọn một bộ trang phục đẹp hơn, biết cách xử sự thích hợp hơn khi chơi với vài em búp bê và hoặc một chú thú bông. Như vậy, đồ chơi đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển năng lực trí tuệ của bé, chuẩn bị cho cuộc sống sau này.

Đồ chơi giúp bé khéo léo hơn

Khi làm quen với các món đồ chơi, bé yêu của chúng ta sẽ cố gắng sắp xếp mọi thứ một cách chỉnh chu. Bé đặt các món đồ vào những nơi thích hợp, chọn cho gấu Misa một chiếc vòng cổ xinh xắn, hay bé trai khi chơi robot cũng biết chọn thế đứng để chàng siêu nhân có tư thế dũng mảnh nhất. Quá trình làm quen với đồ chơi giúp bé trở nên khéo léo hơn trong kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, bày tỏ cảm xúc, kỹ năng hoạt động xã hội,… Điều thú vị là bé yêu cũng sẽ học cách thừa nhận thất bại, ăn mừng chiến thắng, chấp nhận thử thách,… và ứng xử mềm dẻo hơn khi bé chơi cùng những món đồ mà bé yêu thích.

 Đồ chơi giúp bé có tâm hồn lạc quan hơn

Cùng với việc thử nghiệm các đồ chơi khác nhau, bé khám phá thế giới xung quanh có rất nhiều điều thú vị. Bé phát hiện ra mình có thể chơi chung cùng nhóm bạn trong khu tập thể, thậm chí trao đổi đồ chơi cho nhau để thêm niềm vui. Đồ chơi cũng chính là những quà tặng mà những người yêu thương gửi tới bé. Bé sẽ nhớ từng món: đây là bộ tô màu bố tặng hôm sinh nhật, kia là anh siêu nhân ông bà tặng hôm trung thu, còn kia là bộ đồ hàng mẹ tặng khi bé nhận được phần thưởng ở lớp. Bé gắn bó với gia đình, cảm nhận được tình yêu thương với gia đình, bạn bè, người thân và trường lớp thông qua những trò chơi giản dị như vậy.

Những loại đồ chơi thích hợp với bé trong từng nhóm tuổi:

  • Dưới 12 tháng tuổi:

Nên chọn những loại đồ chơi bắt mắt, ưa nhìn, phù hợp với độ tuổi này, như: Đồ chơi hình khối, các loại xoong nồi bằng gỗ hoặc nhựa; các loại đồ chơi hình con vật như mèo, chó, búp bê; các loại đồ vật sáng màu di động và dễ bắt mắt; đồ chơi nổi trên mặt nước; đồ chơi chuyển động, lắc lư;…

  • Từ 1 đến 2 tuổi:

Đồ chơi cho nhóm trẻ này phải an toàn và hợp với thị hiếu thích khám phá của trẻ, như: Quần áo, sách vở có hình vẽ lớn; búp bê; các loại xe ô tô đồ chơi; nhạc cụ; vật liệu hình khối; đồ chơi di động kéo đi kéo lại; điện thoại đồ chơi;…

  • Từ 2 đến 5 tuổi:

Thỏa mãn tính thích khám phá, thích trải nghiệm của bé bằng việc lựa chọn các loại đồ chơi như: Sách vở (có chữ cái phát âm và những câu chuyện bằng hình vẽ); bảng viết kèm phấn (bút); các hình khối xếp; các loại màu vẽ, đất nặn không độc; búa, đòn bẩy; xô, xẻng để nghịch cát; đồ chơi vận chuyển;…

  • Từ 5 đến 9 tuổi:

Tiêu chí quan trọng cho đồ chơi của tuổi này là phát huy tính sáng tạo: Các loại kéo, máy may vá; đồ chơi xếp hình thông minh; bộ đồ dụng cụ của bác sỹ/y tá; đồ chơi con rối; bóng các loại; xe đạp, hàng thủ công; đoàn tàu điện, con rối giấy; dây nhảy, diều; các thiết bị thể thao, trò chơi điện tử;…

Qua những thông tin trên, Sun & Moon  hy vọng bố mẹ sẽ dễ dàng chọn được cho bé những món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi để bé phát triển khỏe mạnh và thông minh.

 

← Bài trước Bài sau →