Dạy trẻ dịp Tết như thế nào?

 Dạy trẻ chưa bao giờ là câu chuyện cũ, và cũng càng không phải là câu chuyện một năm hai năm. Dạy con từ những ngày thường đến những chuyến đi trải nghiệm, những buổi học thường thức… Tuy nhiên có một sự thật rằng nhiều cha mẹ lại “lơ là” việc chỉ dạy bé trong những ngày Lễ Tết – với suy nghĩ để bé chơi cho thoải mái. Vậy tại sao không tận dụng thời gian này để dạy thêm cho trẻ thật nhiều điều hay nhỉ?

Nên dạy gì cho trẻ vào dịp này? Hãy cùng thương hiệu thời trang trẻ em Sun & Moon tìm hiểu nhé!

 Cho trẻ trải nghiệm

Những tuần học trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường học thường có chương trình học giúp bé tìm hiểu phong tục ngày Tết như khám phá các trò chơi dân gian, món ăn ngày Tết, gói bánh chưng, làm thiệp, viết câu đối, thi sắp xếp mâm ngũ quả đẹp, tổ chức các trò chơi dân gian, gói bánh chưng gửi tặng các bạn nghèo vùng cao... Những hoạt động ấy lại trở nên hấp dẫn, mới lạ trong mắt con trẻ, cũng như để trẻ thêm kiến thức trải nghiệm về cuộc sống muôn màu. Điều tốt nhất ba mẹ hãy cùng sắp xếp thời gian để tham gia,chia sẻ thêm với bé nhé.

Giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa đón Tết

Một hoạt động không thể thiếu để chuẩn bị đón Tết của mỗi gia đình là việc dọn dẹp nhà cửa một cách gọn gàng, sạch sẽ, trang trí đẹp mắt để đón Tết. Bằng cách phân công cho con những công việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, lau bàn học… cha mẹ có thể vừa làm vừa dạy bé nguyên nhân tại sao các gia đình thường dọn nhà để đón Tết.

Công việc này không chỉ đơn thuần là trang hoàng nhà cửa, mà qua đó mọi gia đình muốn gửi gắm những thông điệp của riêng mình như: treo câu đối đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tạo những điểm nhấn màu vàng tượng trưng cho tài lộc,… và qua đó, mọi người đều mong muốn sắp xếp lại những chuyện không vui của năm cũ để chào đón một năm mới an khang.

Dạy trẻ nói lời chúc Tết

Trước khi đưa trẻ đến nhà người lớn chúc tết, bố mẹ nên dạy trẻ cách chào hỏi, chúc Tết người lớn. Đây cũng là dịp để dạy con ý nghĩa của những lời chúc mừng năm mới và hướng dẫn con gửi những lời chúc tốt đẹp đến ông bà, người thân. Chẳng hạn, với ông bà phải là “sống lâu trăm tuổi”, với những người trung niên thì “sức khỏe dồi dào”, với những người làm nghề buôn bán thì lời chúc phải là “buôn may bán đắt”… kèm theo những lời chúc phải là một thái độ cung kính, lễ phép.

Trong không khí vui vẻ của ngày Tết, nếu con bạn bất ngờ bị buộc đứng trước người lớn, trịnh trọng cung chúc thì chắc hẳn nhiều bé bối rối đến phát khóc. Điều này rất không nên, nhất là đối với những gia đình có kiêng cữ khắt khe.
Thực ra, để bé chúc tết không khó. Bạn có thể tập trước cho bé một đoạn chúc văn đến khi bé thuộc làu, thậm chí dạy bé cách chúc tết ra sao, vòng tay thưa hỏi thế nào để trẻ có được sự chuẩn bị tốt nhất. Có như vậy, khi chúc tết, trẻ mới cảm thấy tự tin và hào hứng để thể hiện mình.
Một lưu ý nhỏ là để tránh những lời khiển trách từ các bậc cao niên trong họ hàng, bạn có thể giới thiệu trước cho bé biết người bé gặp là ai, cần xưng hô thế nào để tránh thất lễ. Với cách cư xử đáng yêu này cùng sự hồn nhiên của bé, chắc chắn gia đình nhỏ của bạn sẽ để lại những hình ảnh đẹp trong họ hàng.

Giải thích cho con về ý nghĩa của tiền mừng tuổi

Nhiều người với suy nghĩ trẻ con thường không biết gì, nên khi trẻ quên có lời cảm ơn tới người thân, bạn bè thì cũng bỏ qua mà không uốn nắn trẻ ngay. Nhưng đó là một sai lầm bởi bạn đã đánh mất cơ hội để giáo dục để trẻ biết vâng lời, lễ phép và học cách thể hiện tri ân là điều vô cùng cần thiết. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần kiên trì, nhẹ nhàng và dạy con từng chút một. Khi bé nhận được món quà từ người thân đi xa về, bạn hãy gợi ý cho bé “Khi con được tặng quà thì con sẽ làm gì nhỉ?”, hay nếu bé quên chưa cảm ơn, bạn hỏi bé “Con quên gì rồi nhỉ? Khi nhận quà phải làm gì con nhớ chưa?”.

Có một sự thật đáng buồn rất nhiều cha mẹ đã dạy cho trẻ con giá trị đồng tiền quá sớm, khiến nhiều trẻ khó chịu, khóc khi được lì xì ít, hoặc thậm chí khiến những người không có điều kiện kinh tế cảm thấy ngượng ngùng với gia đình bạn và những người khách khác.
Một số trẻ khác lại tỏ ra thờ ơ, coi thường những phong bao lì xì không phải vì chúng chưa biết tiêu tiền mà chỉ vì chúng không thèm màng đến những đồng tiền lẻ. Do đó, dù gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, con bạn vẫn cần được học cách để cư xử như một người khôn ngoan chứ không phải hình thành thói hợm hĩnh, coi khinh tấm lòng của người khác.
Bố mẹ hãy cho con biết, tiền lì xì không còn là trị giá vật chất, mà chủ yếu là giá trị tinh thần. Vì vậy, dù ít hay nhiều, vẫn cần dạy cho bé cách đón nhận tiền mừng tuổi với thái độ trân trọng và lễ phép nhất, đặc biệt không để cho bé có những suy nghĩ kỳ thị ngay cả trong suy nghĩ.
Mặt khác, nếu chứng kiến bạn lấy tiền mừng tuổi làm thước đo thì trẻ em cũng sẽ đối xử phân biệt về tình cảm với những người lì xì cho mình, lâu dần sẽ hình thành những nét tính cách không tốt ở trẻ ...
Chúng ta có thể làm gương cho bé, cảm ơn một người khác với một vẻ mặt vui vẻ; nhắc nhở bé cảm ơn khi nhận được một điều, một thứ gì đó; nói cho bé rõ lời cảm ơn cũng sẽ mang lại một chút gì đó niềm vui đến với người cho,... Làm vậy bé sẽ tự thấy cảm ơn là một việc thoải mái, vui vẻ, và tự nguyện.

Dạy trẻ yêu ngày tết cổ truyền

“Tết Nguyên Đán” mọi người luôn bảo với bé như vậy. Bé cảm thấy thật vui và náo nức khi được lì xì, được mua đồ mới, được thăm ông bà… Không khí ở mọi nơi trong những ngày này thật rộn rã, ở nhà thì bà và mẹ làm bánh, mứt thơm phức, bố thì hối hả dọn nhà, trang trí tổ ấm của bé thật đẹp, ông thì chăm sóc cây cảnh, gói bánh tét thật là vui...

Đối với mỗi chúng ta, cái tết cổ truyền đi vào tâm thức như một khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời quê hương và của mỗi gia đình. Các con của bạn cũng cần phải được hun đúc tình cảm đặc biệt đối với ngày tết của đất nước để gìn giữ nó như một nét bản sắc riêng cũng như ý thức trọn vẹn hơi ấm gia đình trong những dịp cuối năm xuân về.

← Bài trước Bài sau →